Danh sách các công ty thuộc tập đoàn
Sao Mai An Giang
Đó là khẳng định của ông Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch HĐQT – Tổng Giám đốc Tập đoàn Sao Mai An Giang (Sao Mai Group), khi Sao Mai tiếp tục được lọt vào VNR500 – Top 500 doanh nghiệp (DN) lớn nhất Việt Nam năm 2014, theo công bố mới nhất của Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) và Báo VietnamNet. Với những bước tiến mạnh mẽ trong thời gian qua cùng các kế hoạch ấn tượng sắp tới, Sao Mai Group hứa hẹn sẽ tạo ra “một hiện tượng” trong cộng đồng DN Việt Nam. Hoàng Xuân thực hiện.
Cảm giác của ông thế nào khi Sao Mai Group có tên trong VNR500 – Top 500 DN lớn nhất Việt Nam năm 2014?
Tập thể Sao Mai Group rất tự hào và vinh dự khi liên tục lọt vào danh sách nàybởi các tiêu chuẩn đánh giá của Vietnam Report rất khách quan, công bằng và khắt khe.Bên cạnh VNR500, Sao Mai Group còn có mặt trong FAST500 – Top 500 DN tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam, bảng xếp hạng V1000 – Top 1000 DN nộp thuế thu nhập DN lớn nhất Việt Nam và Top 50 DN Việt Nam xuất sắc nhất.
Còn nhớ khi mới thành lập (năm 1997), Sao Mai chỉ có khoảng 10 lao động với vốn điều lệ chưa tới 1 tỷ đồng. Vậy mà sau 17 năm phát triển, chúng tôi đã có được 10 công ty thành viên với hơn 5.000 cán bộ, công nhân viên, vốn chủ sở hữu đến cuối năm 2014 trên 2.800 tỷ đồng. Hiện nay, Sao Mai Group đang bước vào tuổi 17 sung sức và chắc chắn rằng, chúng tôi sẽ không tự thỏa mãn và dừng lại với thành tích đã đạt được. Đó là bản năng vận động và cạnh tranh của DN thời hội nhập.
Trong chuyến thăm Sao Mai Group, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám nói rằng, hiện nay, nền kinh tế vẫn còn khó khăn, không ít DN phải co cụm sản xuất hoặc ngừng hoạt động. Vậy bí quyết nào giúp Sao Mai Group vẫn có kết quả phát triển ấn tượng như thế?
Năm 1997, thời điểm Sao Mai mới phôi thai hoạt động, kinh tế rơi vào khủng hoảng. Đến năm 2007 – 2008, khi Sao Mai bước vào giai đoạn tăng tốc, kinh tế thế giới lại khủng hoảng.Bí quyết của chúng tôi là càng khó khăn càng phải đoàn kết và biết cách “sống chung” với khủng hoảng. Hơn thế nữa, chúng ta còn phải biết “tìm cơ trong nguy” của khủng hoảng để chớp lấy sự may mắn vươn lên. Tôi nhớ có một nhà bác học Đức từng nói: “Khủng hoảng kinh tế không mất gì cả,có chăng chỉ mất đi những ông chủ DN tồi (phải ra đi) và thay bằng những ông chủ mới có năng lực hơn và giỏi hơn”. Những cuộc khủng hoảng đã cho Sao Mai nhiều bài học quý về công tác quản trị. Nhờ bộ máy lãnh đạo tốt, đội ngũ nhân viên năng động, nhiệt tình, Sao Mai chẳng những trụ vững mà còn mở rộng sản xuất, tạo thêm việc làm, tăng đầu tư vào một số công ty Nhà nước thoái vốn.
Ông có thể chia sẻ thêm chiến lược của Sao Mai Group sau khi đầu tư vào các công ty Nhà nước thoái vốn?
Như trên đã nói, 17 năm hoạt động thành công đã giúp Sao Mai có nhiều kinh nghiệm về công tác quản trị. Đây là yếu tố quyết định thành bại của DN nên sắp tới, Sao Mai Group sẽ tái cấu trúc lại theo hướng phát huy vai trò của những cá nhân, đơn vị làm việc có hiệu quả. Đối với những cán bộ quản lý yếu về năng lực, kém về đạo đức, phải lùi lại tuyến sau. Những bộ phận hoạt động kém hiệu quả sẽ phải khoanh vùng để xử lý. Đối với những công ty Nhà nước thoái vốn mà Sao Mai đầu tư vào thì công tác điều hành càng được chú trọng hơn, nhất là vấn đề chuyển đổi phương thức quản lý nhằm khắc phục những hạn chế lâu nay của các công ty này, phát huy hiệu quả hoạt động tương xứng với tiềm năng mà DN đang có.
Được biết, Sao Mai Group đang triển khai hàng trăm dự án trong cả nước với tổng vốn đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng nhưng vốn tự có của tập đoàn hiện chỉ hơn 2.800 tỷ đồng. Ông định làm cách nào để xoay sở vốn?
Tôi xin nói rõ, tuy Sao Mai tham gia nhiều dự án lớn nhưng không phải giải ngân cùng lúc mà việc đầu tư sẽ được hoạch định rất khoa học. Tất cả các dự án đều có kế hoạch rót vốn phù hợp. Sắp tới, chúng tôi sẽ tăng vốn chủ sở hữu từ 2.800 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng. Trong khi nhiều DN có vốn 1 đi vay 10, đầu tư mạo hiểm thì Sao Mai Group vẫn xác định những bước đi thận trọng, an toàn. Với vốn chủ sở hữu 5.000 tỷ đồng, chúng tôi sẽ vay đối ứng với các tổ chức tín dụng thêm dưới 5.000 tỷ đồng (tối đa là 1 vay 1). Nguồn vốn này được kiểm soát một cách nghiêm ngặt, sẽ đảm bảo triển khai các dự án theo đúng tiến độ đề ra.
Bên cạnh lĩnh vực bất động sản, Sao Mai còn “xâm lấn” thành công sang nhiều lĩnh vực khác. Trong đó, việc cho ra đời sản phẩm dầu cá cao cấp Ranee được các nhà khoa học, chuyên gia dinh dưỡng đánh giá là một bước đột phá tuyệt vời. Tuy nhiên, các hãng dầu ăn lại lo sản phẩm dầu cá tốt cho sức khỏe này sẽ “giành” thị phần của họ. Ông có thể chia sẻ về điều này?
Có thể coi dầu cá là sản phẩm song sinh của con cá tra. Nguồn nguyên liệu cá tra của Sao Mai luôn được kiểm soát khắt khe theo tiêu chuẩn quốc tế, nên sản phẩm dầu cá dĩ nhiên cũng an toàn và rất tốt cho sức khỏe. Dầu cá cao cấp Ranee được Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyên dùng do quá trình tinh luyện bằng thiết bị hiện đại, giữ lại được những dưỡng chất quý tự nhiên trong mỡ cá tra như omega-3,6,9, EPA, DHA, các loại vitamine và khoáng chất rất cần thiết cho cơ thể. Đánh giá nhu cầu lớn của người dân về sản phẩm dầu cá, tại Cụm công nghiệp Vàm Cống (huyện Lấp Vò, Đồng Tháp), Sao Mai sẽ tiếp tục sử dụng công nghệ của tập đoàn Châu Âu để lắp đặt thêm dây chuyền tinh luyện dầu cá thứ hai, nâng công suất thiết kế từ 200 tấn/ngày hiện nay lên gấp đôi. Tuy nhiên, do nguồn cung mỡ cá tra vùng ĐBSCL có hạn nên dù phát triển tối đa, sản phẩm dầu cá cao cấp Ranee cũng chỉ đáp ứng được tối đa khoảng 6-7% thị phần của thị trường dầu ăn hiện nay (một tỷ lệ thị phần rất khiêm tốn). Vì vậy, tôi nghĩ các công ty dầu ăn khác không cần phải lo bị “giành” thị phần (cười).
Xin cám ơn ông, chúc Sao Mai Group tiếp tục gặt hái thành công!
Đây là năm thứ 8 Công ty Vietnam Report và Báo VietnamNet phối hợp công bố bảng xếp hạng VNR500 và Sao Mai Group liên tục có tên trong danh sách này. Dự kiến lễ công bố VNR500 và Top 50 DN Việt nam xuất sắc nhất năm 2014 sẽ được tổ chức trọng thể vào ngày 27-1-2015 tại Trung tâm hội nghị Quốc gia (Hà Nội). |